CỘNG ĐỒNG

TIN TỨC BW

"Từ thiện và Công tác xã hội có giống nhau?"

  • STT.38
  • 2019/05/31
  • LƯỢT XEM : 825

Từ trước những năm 1975, mọi người hay dùng từ “xoa dầu cù là” để mô tả các hoạt động trợ giúp từ thiện (TT) cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, cụm từ này gợi đến việc các hoạt động hỗ trợ này chỉ đem lại hiệu quả nhất thời. Ví dụ: thấy một em nhỏ lang thang, cơ nhỡ, bạn sẽ cho nó 5, 10 ngàn để nó có bữa cơm no bụng rồi thôi. Rồi sau đó nó vẫn sẽ tiếp tục đi ăn xin, vẫn tiếp tục cơ nhỡ. Nếu nhiều người “có lòng thương từ thiện" như vậy, đứa nhỏ dần sẽ ỉ lại, lười biếng, và nghiêm trọng hơn sẽ luôn tỏ ra đáng thương, tội nghiệp để có nhiều người cho tiền.

Nếu thử thay đổi cách làm một chút, theo bạn chúng ta có thể giúp bạn nhỏ này theo cách nào mà có thể tránh được các điều trên?

 

Cho tiền thì dễ, còn giúp cho 1 kẻ yếu trở thành tự lực đòi hỏi nhiều kiến thức khoa học, nhiều công phu và thời gian. Trường hợp trên đòi hỏi sự can thiệp của 1 nhà chuyên môn gọi là nhân viên xã hội chuyên nghiệp được đào tạo về Công tác xã hôi (CTXH) hẳn hoi. Trong dân gian ta có câu “cho cần câu thay vì cho cá” và CTXH có định nghĩa nôm na nhất là “GIÚP NGƯỜI ĐỂ NGƯỜI TỰ GIÚP”. Muốn làm được như vậy, cần phải hiểu rõ đối tượng và nhu cầu của họ, giúp họ khắc phục mặt yếu kém và nhất là phát huy mặt mạnh để tự vươn lên.

 

 

Do đó CTXH từ gần 1 thế kỷ nay đã trở thành 1 ngành khoa học, 1 nghề triết lý, hệ thống phương pháp và đạo đức nghề nghiệp riêng. CTXH không chỉ nhằm giải quyết các vấn đề xã hội mà còn giúp phòng ngừa chúng. Góp phần cải tạo và phát triển xã hội. Mục đích cuối cùng là công bằng xã hội và an sinh xã hội cho mọi người. CTXH không chỉ làm việc với cá nhân, mà cả nhóm, tập thể và cộng đồng.

Phải học mới làm công tác xã hội được, người ta có thể theo học từ các khoá ngắn hạn đến các bậc trung cấp, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ,…

CTTT chỉ cần lòng tốt, mà lòng tốt không được soi sáng, lắm khi có tác hại.Chắc bạn đã nghe về câu chuyện chú khỉ tốt bụng nọ: Khỉ đang ngồi trên cành cây bỗng 1 cơn bão ập tới, ngó xuống dòng suối duới chân mình khỉ thấy 2 con cá đang bơi. Tưởng cá giống như mình khỉ sợ cá chết đuối nên nhảy xuống vớt chúng lên để lên cành cây. Khi mưa tạnh khỉ ngạc nhiên không biết tại sao các chú cá vô ơn không nói lời cảm ơn mình. Té ra khi thiếu nước cá đã chết lúc nào không hay.

Giúp mà không hiểu bản chất và nhu cầu đối tượng là như vậy. Một người khiếm thị đang chuẩn bị băng qua đường, cô sinh viên thấy vậy liền hồ hởi nắm gậy để dắt người đó qua, khiến cho người đó mất thăng bằng, và vô cùng hoảng sợ.

Điều quan trọng cho mọi hành động là động cơ, động cơ duy nhất của CTXH là lợi ích của đối tượng được giúp đỡ. Phần lớn CTTT cũng vậy thôi, tuy nhiên cũng có những động cơ không phải là người có nhu cầu.

 

 

Một động cơ khá cao thượng là động cơ tôn giáo. “Làm phước để đức cho con” không có gì sai, nhưng mục đích không phải là đối tượng không có nhu cầu. Từ suy nghĩ này người ta hay ban phát vô tội vạ, có khi gây tác hại như trường hợp em bé lang thang kể trên. Đó có thể là 1 cách nói vui nhưng phản ánh được sự thật .Không ít ngưòi đi làm từ thiện để thoã mãn nhu cầu tâm lý riêng của mình (để nổi tiếng, để xoá đi mặc cảm hay nỗi buồn nào đó). Ai cũng có nhu cầu tâm lý riêng nhưng nó phải đứng sau nhu cầu của người mình muốn giúp. Động cơ phải trong sáng thì việc làm mới có hiệu quả.

 

 

Hiện nay ở nhiều nước, các doanh nghiệp được miễn giảm thuế nếu họ trích 1 phần lời nhuận cho công tác nhân đạo. Ở nước ta các doanh nghiệp ngày càng có xu hướng bảo trợ các chương trình nhân đạo.

Trong xu hướng và nhu cầu chuyển dịch của xã hội ngày càng phát triển, BW Project cũng ngày càng cải thiện chất lượng các gói tài trợ để chung tay tăng năng lực cho đối tượng mà BW hướng đến là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Dù biết khi áp dụng cũng sẽ tốn thêm thời gian và công sức, tuy nhiên nhìn thấy trẻ em ngày càng tự tin, có cơ hội học thêm những điều mới, những kỹ năng xã hội bổ ích, BW Project lại thấy vững tin về sự thay đổi này!

Nguồn bài viết tham khảo từ Mạng lưới Nhân viên Công tác xã hội Việt Nam.

Hình ảnh: Internet