DỰ ÁN MỚI ĐƯỢC ĐỀ XUẤT
Cung cấp hỗ trợ và can thiệp cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt/ khuyết tật tại địa bàn Bến Tre
Xã An Ngãi Tây, Huyện Ba Tri, Bến Tre
Trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ chăm sóc toàn diện cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn sống trong cộng đồng thông qua việc áp dụng phương pháp quản lý ca tại Bến Tre nhằm cung cấp hỗ trợ và can thiệp toàn diện cho trẻ từ các nhu cầu cơ bản: như y tế, dinh dưỡng, giáo dục đến nhu cầu đặc biệt của từng trẻ về sức khỏe thể chất cũng như sức khỏe tinh thần cho trẻ khuyết tật và trẻ đang sống trong hoàn cảnh khó khăn. Bước đầu các trẻ trong Dự án đã có những cải thiện vượt bậc sau thời gian nhận được hỗ trợ.
Với mong muốn càng ngày có nhiều trẻ nhận được hỗ trợ cũng như vì sự phát triển bền vững của Dự án, WWO rất mong nhận được sự chung tay từ cộng đồng trong Dự án hỗ trợ trẻ tại Bến Tre.
Ở Việt nam có hơn một triệu ba trăm ngàn trẻ khuyết tật hoặc có nhu cầu đặc biệt. Trong những năm gần đây, nhà nước đã ban hành các chính sách liên quan như Luật khuyết tật và Luật trẻ em nhằm hướng đến giải quyết tình trạng này. Nhiều tổ chức trong xã hội cũng đã nỗ lực liên kết với nhau để cung cấp các dịch vụ cần thiết đối với nhóm đối tượng này. Tuy đã có sự cải thiện nổi bật trong các khu vực thành thị đặc biệt tại các thành phố lớn, nhưng đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Các vấn đề vẫn còn tồn tại ở khu vực vùng sâu vùng xa (có khoảng 75% trẻ khuyết tật sống ở khu vực nông thôn). Hơn nữa, hàng năm lượng trẻ sơ sinh mới bị khuyết tật hoặc sức khỏe kém đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ gia đình và xã hội (theo thống kê có khoảng 37.000 trẻ có nhu cầu đặc biệt trong số 1.500.000 trẻ sơ sinh, xấp xỉ 2.5%). Đáng tiếc là số trẻ có nhu cầu đặc biệt này hầu hết sinh sống ở khu vực nông thôn, nơi trẻ được báo cáo là được chăm sóc ở mức dưới ngưỡng (theo báo cáo của UNICEF).
Tại địa bàn Tỉnh Bến Tre hiện có trên 2.614 trẻ em khuyết tật, chiếm 6,14% so với tổng số người khuyết tật của tỉnh, 452 trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng (theo Công Trí, TTXVN ngày 20/02/2019). Đặc biệt có 751 trẻ khuyết tật (từ sơ sinh đến 16 tuổi) khu vực vùng sâu vùng xa nông thôn Bến Tre, cụ thể tại Ba Tri là: 420 trẻ, tại Thạnh Phú là 321 trẻ (theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng Bến Tre trong năm 2017) đang phải đối mặt với nhiều trở ngại, khó khăn do thiếu sự can thiệp kịp thời hoặc nhận thức chưa phù hợp về các vấn đề khuyết tật. Hầu hết nhóm trẻ này đều sống trong hoàn cảnh khó khăn, gia đình thu nhập thấp thậm chí còn thiếu sự chăm sóc của cha mẹ (do phụ huynh phải đi làm xa để kiếm thêm thu nhập). Có nhiều trường hợp không có điều kiện để tiếp cận với những phương pháp điều trị và dịch vụ y tế phù hợp nhằm cải thiện sức khỏe của trẻ, trong khi nhóm trẻ này nếu được can thiệp kịp thời có thể cải thiện được sức khỏe hoặc tình trạng khuyết tật một cách đáng kể, từ đó giảm nhẹ gánh nặng cho gia đình, tiến tới một thế giới tươi đẹp.
Từ năm 2016, WWO đã tiến hành hỗ trợ trẻ trên hai địa bàn Ba Tri và Thạnh Phú nói trên, tuy nhiên do nguồn lực hạn chế WWO chỉ mới có thể hỗ trợ 69 trường hợp trong số 751 trẻ (chưa đến 1/10 số lượng trẻ đang cần hỗ trợ). Do còn rất nhiều trẻ chưa được đưa vào chương trình, WWO mong có thể ngày càng có nhiều trẻ được hỗ trợ trong chương trình hơn nhờ sự chung tay từ cộng đồng. Dưới đây là hai câu chuyện tiêu biểu trong số 69 trường hợp đã được hỗ trợ, mang lại khích lệ đáng kể về hiệu quả của dự án cho người làm công tác chuyên môn trong tổ chức WWO cũng như đã lan tỏa đến nhận thức của cộng đồng xung quanh, cơ quan hữu quan liên quan: Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Bến Tre, Ủy ban xã v.v.
Phương pháp, chiến lược thực hiện dự án
Bằng khảo sát đánh giá ban đầu qua công cụ Chỉ số tình trạng trẻ - Child Status Index (CSI) và Thang đánh giá về dinh dưỡng - Body Mass Index (BMI), được thực hiện bởi nhóm chuyên viên công tác xã hội, bác sĩ cùng chuyên viên can thiệp trị liệu để xác định đúng nhu cầu của trẻ để có từng lộ trình can thiệp phù hợp cho từng trẻ. Từ đó bằng phương pháp quản lý ca, dựa vào cộng tác viên trong cộng đồng, trẻ trong dự án được theo sát và hỗ trợ cũng như có những can thiệp phù hợp dựa trên kết quả khảo sát. Định kỳ, trẻ sẽ được đánh giá lại và điều chỉnh các can thiệp hoặc hỗ trợ theo từng nhu cầu mới phát sinh.
Mục tiêu chung
Trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ chăm sóc toàn diện cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn sống trong cộng đồng thông qua việc áp dụng phương pháp quản lý ca tại Bến Tre đã và đang cung cấp hỗ trợ và can thiệp toàn diện cho trẻ từ các nhu cầu cơ bản: như y tế, dinh dưỡng, giáo dục đến nhu cầu đặc biệt của từng trẻ về sức khỏe thể chất cũng như sức khỏe tinh thần cho trẻ khuyết tật và trẻ đang sống trong hoàn cảnh khó khăn, đồng thời điều kiện môi trường sống của trẻ cũng được cải thiện. Với những thay đổi tích cực đó, trẻ và gia đình được nâng cao chất lượng đời sống. Dần dần trẻ có cơ hội để có một cuộc sống bình thường như các bạn đồng trang lứa.
Mục tiêu cụ thể (SMART)
Nhiệm vụ/ Mục tiêu của WWO Việt Nam
Sứ mạng của WWO là giúp mọi trẻ em và thanh niên ở Việt nam dù ở hoàn cảnh nào và tình trạng nào cũng được quyền tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc hiệu quả và có đủ cơ hội để phát triển, học tập, có cuộc sống lành mạnh và có những đóng góp có ích cho xã hội.
Thông qua các chương trình của WWO, trẻ và thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt (trẻ khuyết tật, nhiễm HIV, thanh thiếu niên có nguy cơ cao) được hỗ trợ và chăm sóc toàn diện để vượt qua những khó khăn thử thách về sức khỏe thể chất, tinh thần, tâm lý xã hội và giáo dục để tiến đến một tương lai tự lập và trở thành người có trách nhiệm trong xã hội. Bên cạnh việc hỗ trợ trẻ, WWO nâng cao nhận thức và năng lực cho phụ huynh, người cung cấp dịch vụ, các thành viên cộng đồng để họ có thể chăm sóc hỗ trợ trẻ có hiệu quả hơn.
Kinh nghiệm hoạt động của WWO tại Việt Nam:
WWO là một tổ chức Phi Chính phủ được thành lập tại Việt nam từ năm 2004, nằm trong nhóm 3% các tổ chức đứng đầu các tổ chức Phi chính phủ nước ngoài có đóng góp hiệu quả trong vào sự phát triển xã hội Việt nam được công nhận bởi nhà nước. Trong những năm qua, WWO đã hỗ trợ gần 10,000 trẻ/thanh thiếu niên khuyết tật, nhiễm HIV hoặc đối mặt với nguy cơ cao và khoảng 7,500 người lớn thông qua việc hợp tác và nâng cao năng lực với 26 đối tác cũng như các cấp chính quyền, người dân có liên quan trong cộng đồng tại 11 tỉnh thành: Hà Nội, Hưng Yên, Phú Yên, Đồng Nai, Vũng Tàu,Tp. Hồ Chí Minh, Long An, Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ, An Giang.
Dự án nào nhận được nhiều sự đồng cảm thì xác suất chọn lọc sẽ cao hơn
"Thả tim" chỉ có hiệu lực trong 30 ngày kể từ ngày dự án được đề xuất
BÌNH LUẬN ĐỘNG VIÊN(0)