DỰ ÁN

DỰ ÁN MỚI ĐƯỢC ĐỀ XUẤT

STEAM - Dare to Create

  • NO.143
  • 2019-10-07 15:42:17

Xã Xuân Thới Đông, Huyện Hóc Môn, Hồ Chí Minh

Tóm tắt về dự án:

Dự án STEAM-Dare to Create góp phần phát triển tư duy hài hòa của trẻ về Khoa học - Kỹ thuật - Công nghệ - Nghệ thuật và Toán học cho 40 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn từ 6-15 tuổi tại hai cơ sở: Cơ sở Bảo trợ xã hội Thảo Đàn và Chi hội Bảo trợ trẻ em Hóc Môn (Ceporer Hóc Môn). Bên cạnh đó, dự án còn mang đến cho trẻ cơ hội tham gia vào ngày hội sáng tạo cũng như tổ chức cuộc thi ảnh photovoice để truyền tải các câu chuyện của chính trẻ em. 

Dự án sử dụng phương pháp sau: (1) Service-Learning mang lại lợi ích cho sinh viên và cộng đồng, (2) phương pháp photovoice giúp trẻ thể hiện tiếng nói và câu chuyện trong cộng đồng, (3) phương pháp tạo sự tham gia của trẻ em trong các hoạt động dự án.

Vấn đề cần giải quyết:

Ngày 04/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 về Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư (còn gọi là Cách mạng Công nghiệp 4.0) và  chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó yêu cầu sự thay đổi mạnh mẽ các chính sách, nội dung, phương pháp giáo dục và dạy nghề nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới, trong đó cần tập trung vào thúc đẩy đào tạo về STEM bên cạnh ngoại ngữ, tin học trong chương trình giáo dục phổ thông. Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao trách nhiệm cho Bộ GD&ĐT thúc đẩy triển khai giáo dục STEM trong chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức thí điểm tại một số trường phổ thông ngay từ năm học 2017-2018. Ngoài các trường trung học phổ thông, các doanh nghiệp giáo dục cũng đang triển khai nhiều chương trình giáo dục STEM có thu phí. Như vậy, học sinh phổ thông và học sinh từ gia đình có khả năng tài chính có nhiều cơ hội tiếp cận STEM trong và ngoài trường học. Tuy nhiên, STEM, nghĩa là Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kỹ thuật (Engineering), và Toán học (Mathematics) cần phải được kết hợp với Nghệ thuật (Arts) để phát triển con người một cách toàn diện, nâng tầm năng lực của con người từ mức “hiểu, ứng dụng, phân tích, đánh giá” lên mức cao nhất của sự phát triển, đó là “sáng tạo” (Thang đo mức độ tư duy Bloom, 2015).

Trong độ tuổi 6 - 15, trẻ em bắt đầu xây dựng nền tảng kiến thức về thế giới quan thông qua việc làm quen với khoa học như học toán thông qua đếm cơ bản, học tư duy thông qua quan sát và so sánh, học về các hiện tượng tự nhiên, về cơ thể con người, về nghệ thuật âm nhạc… Tuy nhiên, việc giảng dạy Khoa học, Kỹ thuật, Công nghệ, Nghệ thuật, Toán học tại trường học thường được tổ chức theo các môn riêng biệt, và trẻ em tiếp cận chúng một cách rời rạc. Ngược lại, STEAM mang đến sự đa dạng, toàn diện khi tích hợp các môn học với nhau. Cụ thể, Khoa học mang lại cho trẻ kiến thức về các khái niệm, các nguyên lý, các định luật và các cơ sở của khoa học. Công nghệ giúp trẻ sử dụng, quản lý, hiểu biết, và truy cập được dụng cụ, từ những vật dụng đơn giản như cây bút, cái quạt đến những hệ thống phức tạp như mạng Internet hay máy móc. Với Kỹ thuật, trẻ em sẽ được trang bị kỹ năng sản xuất ra vật dụng và hiểu được quy trình làm ra chúng. Nghệ thuật giúp trẻ cảm thụ cái đẹp, âm nhạc, nhịp điệu và cuối cùng, Toán học mang lại cho trẻ khả năng nhìn nhận và nắm bắt được vai trò của logic trong mọi khía cạnh trong cuộc sống.

Trẻ di dân, lao động sớm, có hoàn cảnh khó khăn ít cơ hội tiếp cận với STEM có thu phí. Do đó, việc mang STEAM, sân chơi sáng tạo và photovoice giúp trẻ không chỉ có cơ hội khám phá thế giới xung quanh mà còn thể hiện quan điểm và tiếng nói của mình với các vấn đề xã hội. 

Giải pháp và mục tiêu dự án:

Mục tiêu chung: Góp phần xây dựng sự phát triển hài hòa của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt về Khoa học, Kỹ thuật, Công nghệ, Nghệ thuật và Toán học; phát triển tư duy tích hợp cũng như đặt nền tảng về các vấn đề của thế giới xung quanh cho trẻ.

Mục tiêu cụ thể: Từ tháng 11/2019 - 4/2020, khoảng 40 trẻ em tại CSBTXH Thảo Đàn và Ceporer Hóc Môn có cơ hội trải nghiệm giáo dục STEAM, xây dựng sự sáng tạo, tự tin, yêu thích khoa học và nghệ thuật của trẻ.

Giải pháp của dự án: 

1. Tạo sân chơi về STEAM. Giải pháp này nhằm giúp trẻ khám phá khoa học, hiểu biết các thiết kế một số đồ dùng (kỹ thuật), hiểu về công nghệ và toán học cũng như nghệ thuật. Sinh viên thiết kế các bài học phù hợp nhu cầu trẻ và thể hiện được các yếu tố S-T-E-A-M

2. Tạo cơ hội sáng tạo cho trẻ và trẻ được quyền thể hiện sáng tạo tự do. 

3. Tạo cơ hội trẻ thể hiện tiếng nói qua hình ảnh về các vấn đề mà trẻ gặp hàng ngày. Việc này thúc đẩy kỹ năng quan sát, tìm hiểu, phân tích và đánh giá, thể hiện quan điểm của trẻ. Thông qua photovoice, trẻ em kể các câu chuyện qua lăng kính của chính trẻ em.

Hoạt động chính của dự án:
1. Tổ chức 20 buổi sinh hoạt STEAM cho trẻ em. 2. Tổ chức Ngày hội sáng tạo cho trẻ và 3. Tổ chức hoạt động và triển lãm sản phẩm photovoice của trẻ
Tác động của dự án:
Dư án tạo cơ hội phát triển tư duy hài hòa cho trẻ thông qua STEAM (Khoa học, Kỹ thuật, Công nghệ, Nghệ thuật và Toán học), mang lại cơ hội sáng tạo cho trẻ cũng như thúc đẩy tiếng nói của trẻ em về các vấn đề xung quanh.
Chi phí thực hiện:
151.100.000 đồng, trong đó BW Project tài trợ 98.600.000 đồng, HSU đóng góp 55.500.000 đồng
Thời gian thực hiện dự án:
Tháng 11/2019 - 4/2019
Tên tổ chức:
Trung tâm Học qua phục vụ cộng đồng (Center for Service Learning), Trường Đại học Hoa Sen
Năm thành lập tổ chức:
2015
Tóm tắt về tổ chức:

Mô hình Service-learning (Học thông qua phục vụ cộng đồng/Học cùng cộng đồng) là trải nghiệm giáo dục mà sinh viên tham gia hoạt động có tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu của cộng đồng, nhờ đó có sự am hiểu hơn về nội dung môn học, phản hồi hoạt động phục vụ cộng đồng, qua đó có đánh giá bao quát hơn về chuyên ngành và gia tăng ý thức trách nhiệm công dân (Bringle & Hatcher, 1995).

Trung tâm Service-learning, Trường Đại học Hoa Sen có nhiệm vụ phát triển môn học và dự án Service-learning để giải quyết nhu cầu thực của cộng đồng; phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy thực tiễn, xây dựng trách nhiệm công dân và năng lực lãnh đạo của sinh viên trường Đại học Hoa Sen. Các dự án Service-learning hướng tới việc mang lại lợi ích cho cộng đồng, cho người hưởng lợi của cộng đồng cũng như đóng góp vào 17 Mục tiêu Phát triển bền vững, trong đó tập trung vào mục tiêu số 4 về Đảm bảo giáo dục chất lượng, rộng mở và công bằng và nâng cao cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.

Dự án nào nhận được nhiều sự đồng cảm thì xác suất chọn lọc sẽ cao hơn
"Thả tim" chỉ có hiệu lực trong 30 ngày kể từ ngày dự án được đề xuất

BÌNH LUẬN ĐỘNG VIÊN(0)