CỘNG ĐỒNG

TIN TỨC BW

"Bệnh suy tim có nguy hiểm không?"

  • STT.20
  • 2019/01/19
  • LƯỢT XEM : 1,172

Trong dịp này BW có tiếp xúc với các ca tim thiếu nhi nên cũng có tìm hiểu chút xíu về SUY TIM nên tổng hợp lại và chia sẻ với mọi người nhé!

Nếu Anh Chị Em có phản hồi đóng góp cho bài viết có thể gửi email cho BW nha bwproject.vnlo@gmail.com 

----------------------------

Mức độ nguy hiểm của bệnh suy tim

 

 

Người bệnh suy tim không chỉ được xác định bằng những lần cấp cứu nhập viện hay triệu chứng khó thở, ho, phù, mệt mỏi… Tính mạng người bệnh còn bị đe dọa bởi 3 biến chứng cấp tính nguy hiểm sau đây:

• Phù phổi cấp: Tình trạng suy tim gây ứ một lượng lớn dịch ở phổi, làm cản trở quá trình hô hấp, dẫn đến các triệu chứng ho khan, khó thở… Nếu bệnh chuyển biến nghiêm trọng hơn, tình trạng ứ trệ này có thể dẫn tới cơn phù phổi cấp (chết đuối trên cạn) với các triệu chứng khó thở đột ngột, ho ra bọt màu hồng… Khi gặp biến chứng này, người bệnh cần được nhanh chóng đưa đi bệnh viện để cấp cứu kịp thời.

• Đột tử do rối loạn nhịp tim: Những người bị rối loạn nhịp tim nhanh, cụ thể là nhịp nhanh thất hoặc rung thất sẽ có nguy cơ đột tử cao. Để phòng ngừa biến chứng đột tử do rối loạn nhịp tim, người bệnh nên đặt máy khử rung tim.

• Đột quỵ và nhồi máu cơ tim: Đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong khiến rất nhiều người bệnh lo sợ do máu ứ trệ trong tim dài ngày dẫn đến kết dính với nhau tạo thành cục máu đông. Cục máu đông này có thể gây bít tắc động mạch vành, động mạch não, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ não.

Cấp độ suy tim nào nguy hiểm nhất?

 

 

Dù là cấp độ 1, 2, 3 hay 4 thì bệnh nhân vẫn luôn phải đối mặt với các nguy cơ gặp biến chứng không mong muốn. Mức độ nguy hiểm còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây suy tim, các căn bệnh kèm theo trong quá trình điều trị. Nhìn chung, người bệnh càng ở giai đoạn sau và cấp độ suy tim càng cao thì rủi ro càng nhiều.

Bệnh suy tim là tập hợp của tất cả các dấu hiệu cũng như triệu chứng ở giai đoạn cuối của các bệnh tim mạch, nên cấp suy tim có thể được xác định theo mức độ khó thở.  

Theo Hội tim mạch Hoa Kỳ, suy tim có thể được chia thành 4 cấp độ sau:

 

 

Nếu không đi khám định kỳ, mức độ suy tim 1 và 2 thường khó nhận biết vì chưa có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Trong khi đó, các triệu chứng bắt đầu xuất hiện thường xuyên và rõ ràng hơn ở mức độ suy tim 3 và 4. Điều đáng lo ngại là, nhiều người bệnh phải đến khi bước vào hai giai đoạn này thì mới băn khoăn: “Bệnh suy tim có nguy hiểm không?”.

Vậy liệu có cách nào để phát hiện các dấu hiệu sớm hơn trước khi tình trạng bệnh trở nặng?

Dấu hiệu nhận biết suy tim trở nặng

Để phòng ngừa những biến cố nguy hiểm khi suy tim trở nặng là bạn cần nhanh chóng nhận ra những dấu hiệu bất thường cảnh báo suy tim tiến triển trầm trọng hơn trước khi quá muộn.

Sau đây là những dấu hiệu chứng tỏ bệnh suy tim bắt đầu trở nặng:

• Cảm giác khó thở tăng lên vào ban đêm: Người bệnh thường xuyên bị khó thở, phải thức dậy lúc nửa đêm, có cảm giác hụt hơi và mệt mỏi bất kỳ lúc nào.

• Cơ thể bị sưng phù nhiều hơn: Suy tim còn khiến cho các bộ phận của cơ thể, đặc biệt là chân và vùng bụng bị sưng và phù.

• Nhịp tim giảm nhanh chóng: Cho dù được dùng thuốc theo chỉ định, sức co bóp của trái tim giai đoạn 4 bị suy yếu sẽ làm chậm nhịp tim, khiến chỉ số nhịp tim giảm hơn so với mức bình thường.

• Suy giảm chức năng thận: Có tới 50% số người mắc suy tim độ 4 sẽ bị suy thận. Khi xuất hiện các triệu chứng suy thận, tính mạng người mắc suy tim giai đoạn cuối sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

Cách phòng tránh rủi ro khi suy tim

Bạn không thể kiểm soát được tiến triển của bệnh hay hồi phục hoàn toàn, song có thể làm giảm thiểu nguy cơ rủi ro bằng các cách sau đây:

1. Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng: Một chế độ với các nguyên tắc giảm muối, hạn chế thực phẩm khó tiêu chứa nhiều đạm và chất béo là điều kiện tiên quyết mà bạn nên thực hiện.

2. Dùng thuốc theo chỉ định: Bạn nên dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ, theo dõi các dấu hiệu bất thường và đi khám ngay để kịp thời xử lý.

3. Phẫu thuật tim mạch: Tùy theo nguyên nhân suy tim, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật bắc cầu động mạch, nong mạch, đặt stent, sửa chữa van tim, thay van tim, đặt máy tạo nhịp… Giải pháp cuối cùng là thay tim nếu tình trạng quá nguy cấp, song lựa chọn này rất khó khăn và đắt đỏ.

4. Duy trì sự vận động: Thói quen tập thể dục sẽ tăng hiệu quả điều trị, giúp máu lưu thông tốt hơn và cải thiện được sức khỏe. Tuy nhiên, người bệnh suy tim nên tránh hoạt động gắng sức.

 

 

Cùng chú ý để có 1 sức khỏe tốt nha cả nhà!

 

Nguồn thông tin: HelloBacsi

Nguồn ảnh: internet